01/02/2021 6:19:33 CH

NGHĨA VỤ THUẾ PHỔ BIẾN CỦA NGƯỜI CÓ THẺ XANH

Bên cạnh người có quốc tịch Mỹ, người nước ngoài được xem là người cư trú Mỹ về khía cạnh thuế (U.S. tax resident) bao gồm người đã có Thẻ xanh hoặc người ở Mỹ dưới dạng visa không định cư có “sự hiện diện đáng kể” (substantial presence) tại Mỹ

Theo Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ (the U.S. Internal Revenue Service (IRS)), một người được coi là có “sự hiện diện đáng kể” nếu người đó ở Mỹ ít nhất:

  • 31 ngày trong năm hiện tại; và
  • 183 ngày trong vòng 3 năm bao gồm năm hiện tại và hai năm liền trước đó [1].

Một khi có Thẻ xanh, bạn sẽ tự động được xem là Người cư trú Mỹ về khía cạnh thuế ngay trong năm đầu tiên có Thẻ xanh, và bạn phải kê khai thu nhập có được trên toàn thế giới cho chính phủ Mỹ ngay cả khi bạn ở ngoài nước Mỹ.

Thuế thu nhập

Thuế thu nhập là loại thuế đánh vào thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác. Hoa Kỳ có một hệ thống thuế thu nhập đa tầng. Theo đó, các loại thuế được áp dụng theo các cấp liên bang, tiểu bang và đôi khi là chính quyền địa phương. Thuế thu nhập liên bang và thuế thu nhập tiểu bang đều áp dụng cách tính thuế suất đối với thu nhập chịu thuế, nhưng việc áp dụng mức thuế suất, cũng như loại thu nhập chịu thuế và các khoản giảm trừ và miễn thuế giữa hai loại thuế này là khác nhau.

Thuế thu nhập cấp tiểu bang (State Income Taxes)

Thuế thu nhập giữa các tiểu bang tương đối khác nhau. Một số tiểu bang không đánh thuế thu nhập như Alaska, Florida, Nevada, South Dakota, Texas, Washington, và Wyoming. Trong khi đó thì tiểu bang New Hampshire và tiểu bang Tennessee chỉ đánh thuế thu nhập đối với phần thu nhập từ lãi và cổ tức chứ không đánh thuế thu nhập trên tiền lương, tiền công.

Hầu hết các tiểu bang đều áp dụng hệ thống thuế suất cố định hoặc thuế suất lũy tiến. Hệ thống thuế suất cố định nghĩa là sẽ áp dụng một mức thuế suất duy nhất chung cho các mức thu nhập. Có 9 tiểu bang áp dụng mức thuế suất cố định trong năm 2020: Colorado (4,63%), Illinois (4,95%), Indiana (3,23%), Kentucky (5%), Massachusetts (5%), Michigan (4,25%), North Carolina (5,25%), Pennsylvania (3,07%), và Utah (4,95%).

Trong khi đó, hầu hết các tiểu bang còn lại đều áp dụng mức thuế suất lũy tiến, khi đó thu nhập càng cao thì mức thuế suất áp dụng sẽ càng cao. Hawaii có 12 khung thuế suất tính đến năm 2020, trong khi đó Kansas và Rhode Island chỉ có 03 khung thuế. California là bang có mức thuế suất lũy tiến cao nhất trong tất cả các bang với 13,3%, áp dụng đối với người độc thân có thu nhập chịu thuế trên 1.000.000 Đô La Mỹ và đối với các cặp đôi đã kết hôn khai thuế chung có thu nhập chịu thuế trên 1.181.484 Đô La Mỹ. North Dakota và Arizona là những tiểu bang có mức thuế suất thấp nhất với khung thuế suất cao nhất lần lượt là 2,9% và 4,5%.

Thuế thu nhập cấp liên bang (Federal Income Taxes)

Hiện tại có 7 khung thuế suất lũy tiến áp dụng đối với thuế thu nhập cấp liên bang là: 10%, 12%, 22%, 24%, 32%, 35% và 37% trên phần thu nhập chịu thuế. Trong năm tính thuế 2020, mức thuế suất lũy tiến cao nhất là 37% áp dụng đối với người độc thân có mức thu nhập chịu thuế là 518.401 Đô La Mỹ và đối với những cặp đôi đã kết hôn khai thuế chung có mức thu nhập chịu thuế là 622.051 Đô La Mỹ. 

Theo hệ thống thuế liên bang, người nộp thuế có thể yêu cầu áp dụng các khoản khấu trừ tiêu chuẩn đối với thu nhập chịu thuế của mình. Trong năm tính thuế 2020, mức khấu trừ tiêu chuẩn đối với người nộp thuế độc lập là 12.400 Đô La Mỹ, đối với chủ hộ gia đình là 18.650 Đô La Mỹ và đối với cặp đôi đã kết hôn khai thuế chung là 24.800 Đô La Mỹ.

Thuế di tặng (Estate Taxes) và Thuế thừa kế (Inheritance Taxes)

Thuế di tặng là loại thuế áp dụng đối với việc chuyển nhượng tài sản là di sản của người đã mất. Thuế di tặng liên bang thường áp dụng đối với người có tài sản trên 11,4 triệu Đô La Mỹ nếu người để lại di sản mất vào năm 2019 và 11,58 triệu Đô La Mỹ nếu người để lại di sản mất vào năm 2020. Mức thuế suất thuế di tặng có thể lên tới 40%. Trường hợp di sản được để lại cho người vợ hoặc chồng còn sống thì sẽ không là đối tượng chịu thuế di tặng.

Trong năm 2020, có 13 tiểu bang và Quận Columbia áp dụng chính sách thuế di tặng này. Mỗi tiểu bang có một mức giảm trừ khác nhau và nhiều tiểu bang có mức giảm trừ thấp hơn rất nhiều so mới mức giảm trừ của thuế di tặng liên bang. Cụ thể như sau:

Mức giảm trừ nghĩa vụ thuế của người có thẻ xanh Mỹ

Bên cạnh thuế di tặng thì còn tồn tại một loại thuế khác phát sinh khi một người qua đời, đó là thuế thừa kế (Inheritance Taxes). Chính phủ liên bang không áp dụng chính sách thuế thừa kế, chỉ có 06 tiểu bang là áp dụng chính sách thuế này, bao gồm: Iowa, Kentucky, Nebraska, New Jersey, Pennsylvania và Maryland. Trong đó, ở tiểu bang Maryland tồn tại cả 02 loại thuế di tặng và thuế thừa kế.

Thuế thừa kế sẽ do người thụ hưởng (người hoặc những người nhận tiền hoặc tài sản từ di sản do người chết để lại) chi trả. Khác với thuế di tặng (thuế được trích trả từ di sản để lại) thì trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế thừa kế thuộc về người thụ hưởng di sản. Loại thuế này được tính riêng biệt đối với từng người thụ hưởng. Số tiền thuế thừa kế một người phải đóng tùy thuộc vào mối quan hệ giữa họ và người để lại di sản. Ví dụ, ở hầu hết các tiểu bang áp dụng chính sách thuế thừa kế, nếu người thừa kế là vợ hoặc chồng của người để lại di sản thì người thừa kế sẽ được miễn thuế. Trong một số trường hợp, những người thân thiết cũng có thể thuộc đối tượng được miễn thuế hoặc giảm thuế thừa kế phải đóng.

Danh sách các tiểu bang không áp dụng chính sách thuế di tặng hoặc thuế thừa kế gồm: Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, California, Colorado, Delaware, Florida, Georgia, Idaho, Indiana, Kansas, Louisiana, Michigan, Mississippi, Missouri, Montana, Nevada, New Hampshire, New Mexico, North Carolina, North Dakota, Ohio, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Texas, Utah, Virginia, West Virginia, Wisconsin, Wyoming.

Thuế quà tặng (Gift Taxes)

Thuế quà tặng được áp dụng đối với người tặng cho tiền hoặc tài sản sang cho người khác và không yêu cầu hoàn lại hoặc hoàn lại ít hơn giá trị của tiền hoặc tài sản được tặng cho. Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ quy định mức giảm trừ năm của mỗi người trong năm 2019 và năm 2020 là 15.000 Đô La Mỹ và mức giảm trừ trong suốt cuộc đời của mỗi người trong năm 2019 là 11,4 triệu Đô La Mỹ và năm 2020 là 11,58 triệu Đô La Mỹ. Việc áp dụng mức giảm trừ năm và mức giảm trừ trong suốt cuộc đời như thế nào sẽ quyết định một người có phải đóng thuế quà tặng hay không.

Theo đó, một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng mức giảm trừ năm như sau:

  • Trong năm 2019 và năm 2020, nếu một người tặng cho tiền hoặc tài sản dưới 15.000 Đô La Mỹ trong một năm thì thường không phải kê khai và đóng Thuế quà tặng. Trường hợp một người tặng cho tiền hoặc tài sản (như chứng khoán, đất đai, một chiếc xe mới) có giá trị trên 15.000 Đô La Mỹ trong một năm thì người tặng cho cần nộp tờ khai Thuế quà tặng cho Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ theo Mẫu IRS Form 709, tuy nhiên họ không phải nộp Thuế quà tặng.
  • Mức giảm trừ năm không phải được tính cho tổng giá trị quà tặng mà được tính trên mỗi người nhận tặng cho. Ví dụ, một người có thể tặng 15.000 Đô La Mỹ cho dì của họ, 15.000 Đô La Mỹ khác thì tặng cho bạn bè của họ, 15.000 Đô La Mỹ khác thì tặng cho người hàng xóm của họ và cứ thế mỗi năm người tặng cho sẽ không phải nộp tờ khai thuế tặng cho.
  • Mức giảm trừ năm được áp dụng cho mỗi người tặng cho, đồng nghĩa với việc một người đã kết hôn thì họ và vợ/chồng của họ có thể tặng cho tổng cộng 30.000 Đô La Mỹ/năm cho bất kỳ người nào khác mà không phải nộp tờ khai thuế.
  • Việc tặng cho giữa vợ chồng với nhau không bị giới hạn mức giảm trừ nêu trên và không phải nộp tờ khai thuế.
  • Người nhận tặng cho thường không phải khai báo về tài sản được tặng cho.

Việc áp dụng mức giảm trừ trong suốt cuộc đời có thể được hình dung một cách đơn giản như sau: nếu một người tặng cho anh trai của họ 50.000 Đô La Mỹ thì người đó đã sử dụng hết mức giảm trừ 15.000 Đô La Mỹ trong năm của mình. Theo đó, người tặng cho cần phải nộp tờ khai thuế tặng cho nhưng họ không cần phải nộp thuế tặng cho. Bởi lẽ, số tiền chênh lệch 35.000 Đô La Mỹ (50.000 Đô La Mỹ – 15.000 Đô La Mỹ) sẽ được tính vào mức giảm trừ trong suốt cuộc đời của họ là 11,58 triệu Đô La Mỹ. Trong năm tiếp theo, nếu người này tiếp tục tặng anh trai của họ 50.000 Đô La Mỹ nữa thì khi đó người tặng cho cũng đã sử dụng hết mức giảm trừ năm 15.000 Đô La Mỹ của mình và sử dụng thêm 35.000 Đô La Mỹ mức giảm trừ trong suốt cuộc đời của mình.

Thuế an sinh xã hội (Social Security Taxes) và thuế chăm sóc sức khỏe (Medicare Taxes)

Thuế an sinh xã hội và thuế chăm sóc sức khỏe là một trong những loại thuế lương bổng (Payroll Taxes) mà người sử dụng lao động, người lao động và cá nhân kinh doanh tự do phải đóng mỗi năm. Hai loại thuế này còn được biết đến dưới tên gọi là thuế đóng góp bảo hiểm liên bang (FICA Taxes – Federal Insurance Contribution Act Taxes).

Năm 2020, thuế an sinh xã hội có mức thuế suất cố định là 12.4% đối với 137.700 Đô La Mỹ thu nhập đầu tiên từ tiền lương, tiền công, hoặc thu nhập của người kinh doanh tự do nhận được. Người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm nộp 6,2%, 6,2% còn lại sẽ được nộp bởi người lao động.

Năm 2020, thuế chăm sóc sức khỏe có mức thuế suất cố định là 2,9% trên tổng tiền lương, tiền công và thu nhập kiếm được của người kinh doanh tự do. Trong đó, người lao động và người sử dụng lao động mỗi bên phải chịu một nửa, tức 1,45%. Thuế chăm sóc sức khỏe không đưa ra mức trần của thu nhập để tính thuế như đối với thuế an sinh xã hội.

Như vậy, mức thuế tổng cộng của thuế đóng góp bảo hiểm liên bang là 15.3%. Đối với những người kinh doanh tự do thì họ phải đóng toàn bộ mức thuế 15.3% nêu trên. Tuy nhiên, những người kinh doanh tự do có thể yêu cầu mức giảm trừ một nửa theo quy định của pháp luật thuế Hoa Kỳ.

Người có Thẻ xanh có thu nhập và tài sản ở các quốc gia khác

Người có Thẻ xanh có các khoản đầu tư, tài sản hoặc các công cụ tài chính ở các quốc gia ngoài Mỹ cũng đồng nghĩa với việc họ có thể có thu nhập gồm tiền lãi, tiền cho thuê, hoặc các lợi nhuận, thua lỗ từ các khoản đầu tư của mình. Khi đó, người có Thẻ xanh phải khai báo tất cả các khoản thu nhập này trên tờ khai thuế của mình cho chính phủ Mỹ.

Người có Thẻ xanh có thể khai báo chi tiết các tài sản ở ngoài Mỹ bằng việc nộp Tờ Khai Tài Sản Tài Chính Nước Ngoài (Statement of Foreign Financial Assets) theo Mẫu IRS Form 8938 và Báo Cáo Tài Khoản Ngân Hàng Nước Ngoài (Foreign Bank Account Report) theo Mẫu FinCen Form 114. Hai mẫu khai báo này yêu cầu người điền phải kê khai rất nhiều thông tin. Do đó, người có Thẻ xanh có tài sản ở nước ngoài cần tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn thuế trước khi nộp tờ khai nói trên.

Thời hạn nộp tờ khai thuế

Thời hạn nộp tờ khai thuế và nộp thuế là 15/4 của năm tiếp theo năm tính thuế. Người nộp thuế được tự động gia hạn thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế đến 15/6 nếu nơi kinh doanh và sinh sống chủ yếu của họ ở ngoài Mỹ và Puerto Rico. Người nộp thuế cũng có thể được tự động gia hạn thời hạn nộp tờ khai thuế đến 15/10 bằng việc nộp Mẫu IRS Form 4868 vào hoặc trước ngày 15/4 (hoặc trước ngày 15/6 trong trường hợp được gia hạn đến 15/6), tuy nhiên, người nộp thuế trong trường hợp này vẫn phải nộp các khoản thuế đến hạn mà không được gia hạn thêm thời hạn nộp tiền thuế.

Nghĩa vụ thuế của người có Thẻ xanh từ bỏ Thẻ xanh của mình

Người có Thẻ xanh từ bỏ Thẻ xanh của mình có thể là đối tượng chịu thuế xuất cảnh (Exit Taxes). Thuế xuất cảnh là một loại thuế đặc biệt áp dụng đối với người đã có Thẻ xanh ít nhất 8 năm (và cả Công dân Mỹ). Người có Thẻ xanh mà vì lý do nào đó muốn từ bỏ Thẻ xanh của mình cần cân nhắc kỹ trước khi thời hạn 8 năm đến hạn. Người có Thẻ xanh có thể tránh được Thuế xuất khẩu nếu họ từ bỏ Thẻ xanh của mình trước khi đến thời hạn 8 năm. Khi đó, họ vẫn phải nộp các giấy tờ liên quan đến Thuế xuất cảnh nhưng họ không phải đóng loại thuế này.

Hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ khai báo và nộp thuế

Việc không hoàn thành nghĩa vụ thuế theo pháp luật Hoa Kỳ có thể được xem là phạm tội. Một người phạm các tội về thuế có thể bị phạt hoặc tệ hơn có họ có thể phải vào tù. Bên cạnh đó, đối với người có Thẻ xanh vi phạm quy định về thuế có thể dẫn đến việc bị mất Thẻ xanh và bị trục xuất khỏi Mỹ. Theo đạo Luật đóng góp bảo hiểm liên bang, không kê khai tài sản ở nước ngoài trị giá trên 50.000 Đô La Mỹ có thể bị phạt đến 10.000 Đô La Mỹ hoặc đến 50.000 Đô La Mỹ nếu tiếp tục không khai báo sau khi đã được thông báo bởi Sở Thuế vụ Hoa Kỳ.

Sở Thuế vụ Hoa Kỳ cũng áp dụng mức phạt đối với việc kê khai thuế thấp hơn mức thực tế vì không tiết lộ chính xác thông tin về giá trị tài sản. Thậm chí, nếu người nộp thuế vi phạm nghĩa vụ khai thuế không bị cáo buộc phạm tội hoặc từ bỏ tình trạng Thẻ xanh, họ vẫn có thể bị cấm trở thành Công dân Mỹ. Bởi lẽ, trong hồ sơ nhập tịch, Mẫu N-400 gồm có câu hỏi liên quan đến việc người nộp thuế đã tiến hành khai thuế chưa. Nhiều người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ kê khai và đóng thuế đã phải hoàn tất việc nộp thuế và tiền phạt cho những nghĩa vụ thuế chưa hoàn thành để có thể tiếp tục hồ sơ nhập tịch của mình.

Như đã phân tích ở trên, Hoa Kỳ có một hệ thống thuế đa tầng và phức tạp, người có Thẻ xanh cần tham khảo ý kiến của Luật sư hoặc các chuyên gia về lĩnh vực thuế để có thể đưa ra một kế hoạch thuế hoàn hảo cho mình trước khi sang Mỹ định cư.


[1] Cách tính 183 ngày nêu trên như sau: Mỗi ngày trong năm hiện tại được tính là một ngày, nhưng những ngày trong năm trước đó chỉ tính 1/3 ngày và những ngày trong năm đầu tiên được tính 1/6 ngày.

Ví dụ: Một người ở Mỹ 122 ngày mỗi năm trong 03 năm 2018, 2017, 2016. Để xác định liệu rằng người đó có đáp ứng điều kiện sự hiện diện đáng kể cho năm 2018 thì cần tính toàn bộ 122 ngày hiện diện trong năm 2018, 41 ngày trong năm 2017 (1/3 của 122 ngày) và 20 ngày trong năm 2016 (1/6 của 122 ngày). Tổng cộng người đó đã hiện diện ở Mỹ 183 ngày trong giai đoạn 03 năm, do đó, người này được xem là Người cư trú Mỹ về khía cạnh thuế trong năm 2018.

Nguồn SKTLAW

Để được tư vấn mua nhà hoặc đầu tư vào 2% kênh đầu tư bất động sản tốt nhất tại Mỹ, Anh Chị vui lòng đăng ký tư vấn. Cố Vấn Đầu Tư của USHome sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ cho Anh Chị.