22/07/2020 12:00:00 SA
Du học Mỹ: Những lưu ý khi đi thuê nhà ở
Việc hòa nhập với một môi trường học tập và sinh hoạt mới là điều không dễ dàng, đặc biệt là một môi trường đa dạng về văn hóa như Mỹ? Đặc biệt, vấn đề về nhà ở là vấn đề khiến các bậc phụ huynh và cả du học sinh đều bận tâm. Bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm quan trọng về vấn đề nhà ở cho du học sinh Mỹ
Có 3 hình thức nhà ở cho du học sinh tại Mỹ
1. Homestay (ở nhà dân): Ở nhà dân là hình thức sống với các gia đình người dân Mỹ và sinh viên có một phòng riêng trong nhà. Gia đình chủ nhà đón tiếp bạn như một thành viên trong gia đình. Việc giao tiếp và gặp gỡ bạn bè của gia đình là cách tốt nhất để bạn hoàn thiện vốn tiếng Anh của mình. Gia đình chủ nhà được lựa chọn cẩn thận và các gia đình này cung cấp cho học sinh môi trường sống an toàn và chăm sóc chu đáo. Sinh viên ăn sáng và ăn tối tại nhà.
- Chi phí bình quân: 170USD – 230USD/tuần
2. Ký túc xá: Nhiều trường có ký túc xá trong khuôn viên nhà trường hay ở khu kế cận. Các phòng ở là phòng đơn hay phòng chung, có ăn sáng, trưa và tối tại nhà ăn. Các khu ký túc xá thường đống cửa trong suốt thời gian nghỉ lễ, trong thời gian này học sinh chuyển đến sống với nhà dân.
- Chi phí của dạng nhà ở này rất đa dạng tuỳ theo từng trường 5.000 – 7.000USD/ năm
3. Nhà thuê: Học sinh trên 18 tuổi có thể thuê nhà trọ hay thuê phòng trong nhà trọ với các sinh viên khác.
Chi phí của dạng nhà này rất cách biệt nhau giữa các thành phố và các thị trấn. Học sinh phải trả tiền điện/gas, nối mạng điện thoại và chi phí mua thực phẩm cùng với tiền thuê phòng.
- Chi phí thuê nhà khoảng 150USD – 450USD/tuần
Du học sinh Mỹ nên chọn loại hình nào để ở?
1. Những ưu điểm khi lựa chọn loại hình Homestay
Mỗi nơi đều có những ưu thế riêng tùy hoàn cảnh và nơi học tập của từng bạn nhưng nếu bạn có điều kiện và tự tin có thể sống độc lập thì cuộc sống cùng người bản xứ là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Rèn luyện khả năng ngoại ngữ: Mặc dù có một vốn ngoại ngữ khá tốt nhưng nhiều teen vẫn bị sốc khi bước vào môi trường mới này. Một điều không thể phụ nhận khi sống cùng người bản xứ là khả năng ngoại ngữ của bạn sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt là kỹ năng nghe nói đấy. Một thời gian sống cùng họ, bạn có thể nói như “chim hót” cho mà xem. Họ sẵn sàng sửa cách phát âm, từ ngữ cũng như bày cho bạn những câu thành ngữ mà họ thường sử dụng mà bạn chưa hề biết đến. Phương pháp nhanh chóng nhất rèn luyện khả năng ngoại ngữ của bạn.
Nhiều du học sinh tâm sự: “Đa số bọn mình qua đây sống cùng người bản xứ, họ rất thân thiện và dễ gần nữa. Họ rất sẵn lòng sửa cách phát âm và dạy cho bọn mình nhiều câu tiếng Anh của người bản ngữ. Lựa chọn sống cùng người bản xứ thật sự rất có ích cho bạn nào muốn rèn luyện khả năng ngoại ngữ đấy!”
Mở rộng tầm hiểu biết về nền văn hoá: Với các teen có niềm đam mê tìm hiểu phong tục tập quán cũng như nền văn hoá của đất nước bạn đang theo học thì sự lựa chọn sống cùng người bản xứ cũng rất hữu ích. Đó chính là cách nhanh nhất bạn tiếp thu nền văn hoá của đất nước này. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ sẽ giúp bạn hiểu được phần nào phong cách, văn hoá. Những bữa ăn cuối tuần chính là lúc để bạn tiếp thu nó đấy. Hãy cùng họ nấu những món ăn truyền thống và lắng nghe những câu chuyện thú vị hay cùng họ đón mừng những ngày lễ hội lớn trong năm. Đó chính là cách học hỏi, tìm hiểu nền văn hoá một cách rất chi là hiệu quả.
Như thế này thì các bạn sẽ biết được nhiều hơn về cuộc sống cũng như phong tục tập quán của các nước bạn.
Minh Thư – một du học sinh kể lại: “Vào những ngày cuối tuần, mình vẫn thường cùng mọi người trong gia đình cô Rebecca nấu những món ăn truyền thống như Fish&Chips… rất thú vị! Không những học được cách nấu nướng mà mình còn được nghe những câu chuyện kể về văn hoá cũng như phong tục tập quán của họ nữa!”
Chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sống: Những ngày đầu khi đặt chân đến một đất nước xa lạ. Chắc chắn sự bỡ ngỡ, chưa quen với phong tục tập quán là điều không tránh khỏi. Thật tiếc nếu như chúng ta không biết nên đi đâu và làm gì vào thời gian rảnh. Sống cùng người bản xứ, kinh nghiệm cuộc sống của bạn cũng tăng lên đáng kể. Từ việc mua sắm, ăn uống cho đến cách mặc cả. Những lời khuyên quý giá của những người bản xứ đầy kinh nghiệm sẽ giúp ích cho bạn. Bạn không phải loay hoay khi cầm trên tay một tấm bản đồ tìm một quán cà phê hay một quán ăn ngon. Tất cả đã có sự chỉ dẫn tận tình của người bản xứ bạn cùng sinh sống.
Minh Hạ – một du học sinh vui vẻ tâm sự: “Hồi ở Việt Nam, đi chợ với mẹ, thấy mẹ trả giá với họ mình cứ ngại ngại thế nào ấy. Vậy mà từ khi sinh sống cùng gia đình chú John, nó không phải là vấn đề nữa. Một lần theo chân họ đi mua sắm, mình đã học được kinh nghiệm mặc cả quý báu lắm.”
Có thêm một gia đình mới: Xa nhà – nỗi ám ảnh gây nên nhiều phiền muộn cho các teen chúng mình phải không nào? Tại sao bạn không thử sinh sống cùng người bản xứ. Cuộc sống cùng họ sẽ khiến bạn cảm thấy như mình đang có một gia đình thứ hai đấy. Bởi lẽ, lối sống của họ khá thân thiện và gần gũi, họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng bạn. Và một khi họ đã quyết định cho du học sinh cùng sinh sống thì họ đã rất gần gũi rồi. Chính những lý do này sẽ giúp các teen dịu đi phần nào nỗi nhớ nhà và càng hạnh phúc khi mình có thêm một gia đình thứ hai!
Rất nhiều du học sinh kể lại: “Khi mới xa nhà, bọn mình nhớ nhà, nhớ Việt Nam chết đi được, có nhiều lúc gọi về nhà khóc rấm rứt. Vậy mà, một tháng sau khi sống cùng người bản xứ, bọn mình như có một cảm giác khác. Một gia đình thứ hai, và nỗi nhớ người thân cũng nguôi dần.”
Kết bạn với nhiều sinh viên quốc tế một cách nhanh chóng: Ngoài việc gặp gỡ các bạn đến từ các quốc gia khác ở trường. Cuộc sống cùng người bản xứ sẽ giúp bạn kết bạn với các sinh viên quốc tế một cách nhanh chóng. Có lẽ bởi bản chất của người bản xứ khá thân thiện và gần gũi nên họ rất sẵn lòng giới thiệu bạn với hàng xóm và một số bạn bè khác.
Thật thú vị khi có một buổi picnic dã ngoại, hay một buổi tiệc giao lưu giữa các bạn đến từ các nước phải không nào? Gia đình người bản xứ sẽ giúp bạn làm điều đó. Đặc biệt là với những bạn có đôi chút dè dặt.
Một khi đã quyết định sống cùng người bản xứ khi đi du học thì các bạn cần tham khảo thông tin từ các trường các bạn sẽ theo học nhé.
Các loại hình homestay phổ biến tại Mỹ
Standard Homestay
- Phù hợp với những học sinh lớn, tự tin có thể sống tương đối độc lập, nhưng vẫn được quan tâm chăm sóc trong một môi trường gia đình gần gũi
- Chọn phòng đơn hoặc phòng ở chung
- Phòng ngủ có bàn học được trang bị đầy đủ
- Hai bữa ăn mỗi ngày, bảy ngày trong tuần
- Được sử dụng điện thoại
Homestay Plus
- Cung cấp hỗ trợ và giám sát ở mức cao hơn đối với học sinh nhỏ tuổi
- Bắt buộc đối với học sinh dưới 16 tuổi
- Chọn phòng đơn hoặc phòng ở chung
- Phòng ngủ có bàn học được trang bị đầy đủ
- Hai bữa ăn mỗi ngày, bảy ngày trong tuần
- Được sử dụng điện thoại
- Giường, gối được tất cả các gia đình bản xứ cung cấp đầy đủ, bạn chỉ cần mang theo khăn tắm của mình.
Những điều du học sinh Mỹ cần lưu ý khi ở homestay
- Sử dụng điện thoại của chủ nhà: Nếu bạn gọi đường dài thì bạn phải tự trả tiền cước phí.
- Vệ sinh: Không ở trong phòng tắm quá lâu, sau khi sử dụng phòng tắm phải dọn dẹp sạch sẽ.
- Quần áo: Mặc quần áo phù hợp với từng việc. Nếu không biết nên mặc đồ gì thì hãy hỏi chủ nhà.
- Tự trả các chi phí cá nhân: Tự trả cước phí những cuộc điện thoại đường dài của bạn. Đi xem phim, đôi khi chủ nhà mua vé cho bạn, nhưng đôi khi bạn phải tự mua….
- Không cho bạn bè thậm chí các thành viên trong gia đình chủ nhà vay tiền và không mượn tiền của bất cứ ai.
- Không nói tiếng Việt Nam với các học sinh giao lưu khác trước mặt những người Mỹ.
- Không đi chơi về muộn mà không được phép của chủ nhà. Nếu bạn ở trường/ nhà bạn bị về muộn thì hãy gọi điện cho chủ nhà.
- Đừng ra khỏi nhà mà không nói với chủ nhà là bạn đi đâu (trong thời gian bạn ở Mỹ, chủ nhà là bố mẹ nuôi của bạn, họ chịu trách nhiệm về bạn và việc của họ là biết bạn đang đi đâu và đang làm gì).
- Nếu chủ nhà không bảo bạn làm việc nhà thì hãy đề nghị được giúp họ rửa bát đĩa, quét nhà hoặc hút bụi, đổ rác thậm chí nấu ăn. Nếu bạn thích chơi đàn thì hãy hỏi xem bạn có làm phiền ai không.
- Vô tuyến: Nếu bạn xem TV với chủ nhà, đừng đòi xem chương trình bạn thích. Nếu chủ nhà cảm thấy một số chương trình không phù hợp với bạn thì đừng xem những chương trình đó. Nếu chủ nhà muốn tắt TV thì đừng phản đối. Đừng xem TV quá khuya nhất là vào những ngày đi học.
2. Một số lưu ý cho các du học sinh khi thuê nhà bên Mỹ du học
Ưu điểm:
Giá cả hợp lí: Thuê nhà ở ngoài là lựa chọn kinh tế hơn rất nhiều không chỉ với học sinh quốc tế mà cả với học sinh bản xứ. Thuê nhà ở chung với bạn bè hoặc người thân của mình thì có thể giảm giá chi tiêu hàng tháng đáng kể nhờ việc nấu ăn chung chẳng hạn.
Sự thoải mái: Thuê nhà riêng cũng giống như bạn đang sở hữu ngôi nhà trong thời gian ngắn. Bạn có thể tuỳ ý sử dụng nhà mà gần như không gặp phải bất cứ sự gò bó nào cả. Những buổi tụ tập hay sinh hoạt chung của hội Việt Nam luôn là một điều không thể thiếu với du học sinh. Điều này giúp du học sinh vơi đi phần nào nỗi nhớ người thân và bạn bè tại Việt Nam. Nhà thuê riêng là địa điểm lí tưởng cho những cuộc tụ họp như thế này.
Nhược điểm:
Môi trường xung quanh: Vì thuê nhà ở ngoài nên môi trường xung quanh bạn không thể nào tốt như môi trường của ký túc xá. Những người hàng xóm của bạn chưa chắc đã là học sinh, sinh viên và cũng chính vì thế cho nên kết bạn với hàng xóm chưa hẳn đã dễ dàng. Du học sinh cũng hay có thói quen thuê nhà cùng bạn cùng nước để dễ nói chuyện hơn, điều này làm giảm đáng kể cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh cho du học sinh quốc tế.
Bạn cùng nhà: Nếu bạn không thuê căn hộ cá nhân mà thuê chung với ai đó thì việc chọn bạn ở cùng cũng vô cùng khó khăn và quan trọng. Bạn ở cùng không hợp có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lí cũng như việc học hành ở trường lớp.
Ngoài ra, việc ở chung nhà cũng dẫn tới một số vấn đề bất cập nhỏ như không có không gian riêng tư, thời gian sinh hoạt gò bó tới những vấn đề lớn hơn như mất trộm đồ hay tranh cãi lẫn nhau.
Các bạn đừng chọn nhà quá sớm. Trong trường hợp chủ nhà nhắn nhủ rằng bạn nên nộp tiền đặt cọc ngay vì “có 5 người thuê khác cũng đang ngăm nghe căn này”, thì nhiều khả năng là chẳng có người thuê nào cả và ông ta nói vậy chỉ để “cột chân” bạn. Đồng thời, các bạn bạn cũng đừng lấy nhà quá trễ. Một khi đã có đủ thời gian để có cái nhìn tổng quan về thị trường thuê nhà, khi đó bạn cần đưa ra quyết định. Tóm lại là đừng áp lực với chuyện kí hợp đồng khi ngôi nhà đó còn điều gì khuất tất.
Bạn đừng chọn căn “đẹp mã” nhất. Hãy nghĩ đến việc bạn thật sự cần từ ngôi nhà đó đơn giản chỉ là một chiếc ghế, một cái kho, một tủ lạnh lớn, một chiếc bàn tương xứng và đặc biệt là việc ngôi nhà có nhiều hơn một phòng tắm, bạn chỉ nên chọn những điều thật sự cần thiết. quá nguy hiểm hay vì ngôi nhà đó có vấn đề. Khi gặp phải một căn nhà như thế, hãy tự hỏi Bên cạnh đó, bạn cũng đừng chọn căn rẻ nhất. Bởi giá rẻ bất ngờ có thể là vì khu vực xung quanh liệu việc sống trong đó có tiện lợi không và nó có đáp ứng được các nhu cầu của bạn không.
Hãy chọn bạn chia nhà cẩn thận. Một người bạn cực thân với bạn ở học kì đầu tiên có khi sẽ trở thành… kẻ thù của bạn ở học kì thứ 3! Đừng sống chung với một người với lí do đơn giản vì họ chính là người bạn đầu tiên mà bạn gặp gỡ ở trường Đại học. Chỉ cần đó là một người sạch sẽ, thân thiện và cởi mở là đủ tốt rồi. Tránh đừng chia nhà với người bạn mà tối nào cũng phải ra đường tiệc tùng mới chịu nổi nhé! Đơn giản vì việc sống chung với một người thích gào thét lúc… 4am hẳn sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khi bạn đang phải tập trung ôn thi!
Bạn cũng nên nói chuyện với những người thuê trước. Hãy tìm lên các diễn đàn, group Facebook và hỏi xung quanh xem chủ nhà và công ty môi giới là ai, những người nào đã từng thuê căn nhà của bạn trước đây. Bạn cũng có thể hỏi chủ nhà về người thuê đã rời đi. Khi đã có thông tin những người này, bạn cần “điều tra” xem việc thuê nhà của họ có gì trục trặc không (nếu có thì tốt nhất là hãy né xa!)
Bạn cần tập làm quen với khu vực lân cận. Bạn cần kiểm tra khu vực thuê nhà cả ngày lẫn đêm. Có thể con đường đấy rất đỗi bình thường vào lúc 3 giờ chiều, nhưng biết đâu đó lại là nơi nguy hiểm vào 2 giờ sáng, khi bạn vừa tham gia tiệc tùng ở trường về. Ngoài ra bạn cũng cần quan tâm đến khoảng cách của căn nhà đó với siêu thị và các địa điểm mà bạn sẽ cần lui tới, và đặc biệt là với trường học. Hãy tìm hiểu xem nhà bạn có xa trường không, và khoảng cách, chi phí di chuyển đến trường như thế nào.
Đọc kỹ hợp đồng sẽ giúp bạn cân nhắc có nên nhận thuê nhà không. Một khi đã quyết định lấy căn nhà đó, bạn cần đọc kỹ hợp đồng, và sau đó đọc đi đọc lại thêm nhiều lần nữa. Hãy bắt lấy những chi tiết nhỏ nhất, đặt thật nhiều câu hỏi và chắc chắn rằng bố mẹ, người bảo hộ hay một tư vấn viên nào đó của trường Đại học cũng đã xem qua hợp đồng này. Đừng để một chi tiết nào đó trong hợp đồng gây bất lợi cho bạn vào cuối năm học, khi trả lại nhà.Bạn nhất thiết phải giữ lại tất cả các bằng chứng bằng chữ viết.
Một khi đã ở trong nhà rồi, bạn cần giữ các tin nhắn viết tay (email) nội dung xoay quanh các yêu cầu, câu hỏi và trả lời giữa bạn và chủ nhà. Nếu họ hứa sẽ làm gì đó (sửa chữa đồ đạc chẳng hạn), hãy yêu cầu họ viết email để giữ lại bằng chứng. Cuối cùng, trong trường hợp bạn có vấn đề, hãy tìm tới trường đại học hay hội đồng địa phương để xin tư vấn. Các trường Đại học thường có một ban tư vấn riêng về vấn đề nhà ở cho sinh viên nên bạn hoàn toàn yên tâm về chất lượng tư vấn nhé. Tương tự, hội đồng địa phương cũng là nơi sẽ hỗ trợ bạn trong trường hợp xấu nhất.
3. Ưu điểm và nhược điểm khi ở ký túc xá tại Mỹ
Học sinh năm thứ nhất đại học ở Mỹ (freshmen) thường bị bắt buộc phải ở trong kí túc xá của trường đại học. Những năm sau đó, du học sinh có thể lựa chọn ở ký túc xá hoặc thuê nhà ở ngoài. Dưới đây là những điểm tốt và xấu của việc ở ký túc xá.
Ưu điểm:
Tiết kiệm thời gian: Từ ký túc xá của trường tới lớp học chỉ mất từ 02 đến 20 phút (tùy vào khuôn viên của từng trường đại học). Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian tới lớp thì ký túc xá là lựa chọn không thể tuyệt vời hơn. Một số trường đại học ở Mỹ có tuyến xe bus ngay trong khuôn viên của trường để phục vụ việc đi lại của sinh viên trong trường.
An toàn cho học sinh: Phần lớn các ký túc xá đều thuộc sự quản lí của trường đại học. Vì vậy sinh viên được đảm bảo an ninh, đó là điều kiện thuận lợi cho việc học tập của sinh viên. Người dân Mỹ được phép sở hữu và sử dụng vũ khí, cho nên đảm bảo an toàn là điều vô cùng quan trọng đối với du học sinh.
Dễ dàng làm quen với bạn học bản xứ: Sống trong ký túc xá là sống trong môi trường cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh, các sinh viên dễ cảm thông với nhau, chia sẻ cùng nhau, trao đổi với nhau những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm học tập.
Chính vì thế học sinh bản xứ và du học sinh có nhiều điều kiện để tìm hiểu lẫn nhau. Hơn thế nữa, môi trường này còn rèn luyện cho sinh viên ý thức sống vì tập thể, lối sống độc lập, khả năng thích nghi với mọi điều kiện, giúp cho sinh viên dễ hòa nhập hơn sau này.
Đa dạng thể loại: Ký túc xá có rất nhiều loại, từ phòng riêng cho tới phòng 02 người hoặc 04 người. Sinh viên có nhiều lựa chọn hơn mà vẫn đảm bảo được sự an toàn, tiết kiệm thời gian và cơ hội sinh hoạt chung với sinh viên bản xứ.
Nhược điểm:
Nhược điểm duy nhất của ký túc xá sinh viên đó là khá đắt đỏ. Giá trung bình ký túc xá của sinh viên học tập tại Mỹ thường gấp từ 1.5 cho tới 3-4 lần số tiền cần bỏ ra để thuê nhà ở ngoài.
Chi phí ở ký túc xá sẽ dao động trong khoảng 9.000 USD đến 14.000 USD/năm, còn chi phí thuê nhà ở ngoài chỉ từ 4.300 USD-8.500 USD/năm. Các bạn có thể tham khảo giá thuê ở các trang web hoặc nhờ trường học tư vấn để có được chỗ ở hợp lý.
Ngoài ra học sinh còn có thể thành quản lí của ký túc xá (Resident Assistant). Bạn sẽ được ở ký túc xá miễn phí và còn có cơ hội tham gia hội sinh viên của trường.
Để làm được Resident Assistant, điều bạn cần phải có trên hết chính là sự năng nổ và hoà đồng với mọi người, ngoài ra bạn cũng cần phải chứng minh được khả năng giao tiếp tốt cũng như trình độ học vấn tương đối ổn (tuỳ trường sẽ có những điều kiện khác nhau, bạn nên trực tiếp liên hệ với nhà trường để biết được điều kiện chi tiết).
Công việc này khá là đơn giản, bao gồm giám sát học sinh, liên hệ với nhà trường, cảnh sát ngay khi có vấn đề gì xảy ra và tổ chức những sự kiện trong kí túc. Tuy nhiên số lượng học sinh được làm Resident Assistant là không nhiều (một tầng/lầu của kí túc thường chỉ có 01 Resident Assistant).
Một số mục quảng cáo cho thuê nhà du học Mỹ trên các báo địa phương và báo của trường
Trên báo của trường và báo địa phương, sinh viên sẽ thấy trong chuyên mục rao vặt có các mục cho thuê: "Unfurnished Apartments", "Furnished Apartments”, "Rooms for Rent", "Rental to Share", hoặc "Sublets”. Các mục quảng cáo này thường được sắp xếp theo khu vực.
- Unfurnished: nghĩa là bạn phải tự mua đồ nội thất riêng (ghế, bàn, giường).
- Furnished: nghĩa là được cung cấp đồ nội thất, nhưng giá thường cao hơn.
- Rooms for rent: thường là phòng trong nhà với bếp, nhà tắm và toilet sử dụng chung. Thường giá rẻ hơn.
- Rental to Share: là căn hộ hay nhà đã có người thuê rồi, và họ tìm người ở chung. Thường bạn sẽ có phòng riêng, và sử dụng chung các phương tiện khác.
- Sublets: là tình trạng nhà đang được cho thuê, người thuê muốn dời đi trước khi chấm dứt hợp đồng và họ tìm người để sang nhượng lại.
Để được tư vấn mua nhà hoặc đầu tư vào 2% kênh đầu tư bất động sản tốt nhất tại Mỹ, Anh Chị vui lòng đăng ký tư vấn. Cố Vấn Đầu Tư của USHome sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ cho Anh Chị.