25/01/2020 3:31:52 SA
Bốn mùa xuân khó quên của nhà ngoại giao Mỹ
Đón 4 cái tết, hai đứa con gái kháu khỉnh chào đời, gia đình nhà ngoại giao thuộc Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM luyến tiếc khi sắp phải rời Việt Nam để nhận nhiệm vụ mới ở quốc gia khác.
“Đây là lần thứ 4 tôi đón tết ở TP.HCM. Năm nay gia đình tôi sẽ tận hưởng không khí tết an lành ở thành phố vốn có phần yên ả, vắng vẻ trong dịp nghỉ lễ”, cô Emily Fleckner, Trưởng phòng Kinh tế thuộc Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cho biết.
Như mọi năm, gia đình cô Emily đi dạo đường hoa xuân vốn là nét đặc trưng của Việt Nam trong những ngày tết. “Chúng tôi sẽ đến công viên Tao Đàn vì hai con gái nhỏ của tôi rất thích ngắm nhìn bông hoa tươi thắm. Vợ chồng tôi sẽ ăn những món ăn Việt mới mà chúng tôi chưa có dịp thưởng thức trong năm qua. Tết năm nay sẽ sum vầy hơn vì người thân gia đình đến Việt Nam thăm chúng tôi”, cô Emily nói.
Cô Emily cho hay truyền thông đón năm mới ở Mỹ thường là bữa tiệc hoành tránh đối với giới trẻ vào đêm giao thừa, mọi người nghỉ ngơi ngày đầu năm rồi hôm sau lại đi làm. “Còn ở Việt Nam ngày tết mang cả gia đình quây quần, ông bà, cha mẹ cùng con cháu bên nhau”, cô Emily cho hay.
Nét truyền thống tết Việt đặc biệt khác lạ đối với nhà ngoại giao Mỹ là người lớn lì xì cho trẻ nhỏ. “Ở Mỹ, gia đình cũng tặng quà, thường vào dịp giáng sinh, nhưng hiếm khi tặng tiền. Người Mỹ thì không có quà tặng gì với ý nghĩa mang đến may mắn cho năm mới”, cô Emily nói, trong lúc con gái nhỏ muốn mẹ cho ăn thêm một ít bánh mứt.
Kể từ ngày 20 âm lịch, gia đình cô Emily tràn đầy không khí tết. Cô mua bánh mứt và hoa đào cùng bánh chưng về trưng bày trong phòng khách.
4 mùa xuân ở TP.HCM, 2 con chào đời
Kể từ lúc nhận nhiệm sở ở TP.HCM vào năm 2016 cho đến nay, gia đình cô Emily có thêm thành viên mới là hai con gái Margot (3 tuổi) và Celeste (1 tuổi). “Khi mới đến TP.HCM, tôi mang thai đứa con đầu tiên. Lúc đầu tôi có hơi buồn vì không ở gần gia đình nên tất cả phải nhờ vào những người hàng xóm tuyệt vời và nhất là sự trợ giúp của hai cô giữ trẻ người Việt. Hai cô giữ trẻ hướng dẫn vợ chồng tôi tận tình cách chăm sóc con nhỏ”, cô Emily nhớ lại.
Sinh ra ở TP.HCM, hai con gái của cô Emily trong năm đầu đời gắn liền với đất nước Việt Nam và có thể nói được tiếng Việt. Nhờ sự dìu dắt tận tình của hai cô giữ trẻ, Margot và Celeste có thể hát nhiều bài hát tiếng Việt như Ngày Tết quê em.
Đối với cô Emily, Việt Nam là đất nước tuyệt vời đối với trẻ nhỏ. “Mọi người luôn tử tế, sẵn sàng giúp đỡ gia đình chúng tôi vì đồng cảm trước những khó khăn mà gia đình người nước ngoài với con nhỏ phải đối mặt”, cô Emily nói.“Con tôi có thể hiểu và nói được tiếng Việt khi giao tiếp với hai cô giữ trẻ và cũng được học tiếng Việt ở trường. Hai bé có thể nói được hai thứ tiếng. Tuy nhiên, chúng tôi rất tiếc là phải rời Việt Nam để nhận nhiệm vụ mới ở quốc gia khác vào mùa hè năm 2020. Chúng tôi rất muốn con mình tiếp tục nói tiếng Việt. Điều đó thật tuyệt vời. Hy vọng trong nhiệm vụ mới, con tôi có thể tiếp tục gặp gỡ và giao tiếp với người Việt”, theo cô Emily.
Nét văn hóa cảm thông thể hiện rõ qua những lần gia đình cô Emily dùng bữa tại nhà hàng. “Ở Mỹ, mọi người ngại đưa con nhỏ vào nhà hàng vì lo ngại chúng làm ồn, quấy rầy thực khách xung quanh. Việt Nam thì khác, mọi người đều cảm thông”, cô Emily cho hay.
Riêng anh Dan Lane, chồng của cô Emily, phải hy sinh thay đổi công việc để cùng vợ đến TP.HCM. Trong năm đầu tiên, Dan vẫn giữ công việc và được cấp trên thông cảm, cho phép làm việc từ xa. “Lúc đó, do múi giờ lệch nhau nên trong khi vợ con ngủ là lúc tôi làm việc trong phòng khách, rồi tôi ngủ cả ngày. Chính vì thế, tôi khá quen thuộc bầu trời đêm của TP.HCM”, anh Dan kể.
Khi vợ sinh bé gái thứ hai, Dan buộc phải tạm ngừng công việc một thời gian để phụ giúp chăm sóc con nhỏ và làm việc nhà, tạo điều kiện cho vợ tiếp tục làm việc sau khi nghỉ thai sản. Sau đó, anh Dan xin được việc làm ở Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.
Bí quyết “giữ lửa”
Thời cha mẹ của anh Dan và cô Emily thì phụ nữ thường nấu ăn, dọn dẹp và làm việc nhà nhiều hơn; còn người đàn ông chỉ tập trung làm việc, nhưng nay mọi thứ đã thay đổi. “Đối với thế hệ sau như vợ chồng tôi đều phải đi làm, chúng tôi chia sẻ việc nhà và luôn muốn cùng nhau dành thời gian chăm sóc và chơi cùng con nhỏ”, theo cô Emily.
Bật mí bí quyết “giữ lửa” cho cặp vợ chồng làm việc bận rộn, cô Emily cho biết: “Tôi nghĩ vợ chồng đừng nên so đo đong đếm và nói rằng hôm nay tôi làm nhiều hơn, người kia làm chưa đủ. Rồi ngày tiếp theo lại mình làm nhiều hơn, người kia làm chưa đủ. Hãy quên nó đi. Cuối cùng rồi khi con cái trưởng thành, mọi thứ sẽ cân bằng”.
Anh Dan cũng có trải nghiệm về mặt văn hóa khá đặc biệt mỗi lần đưa hai con gái ra công viên chơi trong lúc vợ đi làm. “Luôn có người tiếp cận, khen con gái tôi dễ thương và chắc chắn câu hỏi tiếp theo là: Mẹ chúng đâu rồi? Câu hỏi được đặt ra nghe có vẻ rất nghiêm trọng”, anh Dan nói. Dù vậy, sau 4 năm sống ở TP.HCM, anh nhận thấy nhiều sự thay đổi, với ngày càng nhiều người cha một mình dẫn con đi chơi mà không lo “bị hỏi thăm”.
Trong trang phục áo dài truyền thống, hai con gái của cô Emily hát bàiNgày Tết quê em Diệp Uyên |
“Tôi hy vọng những người cha ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới nhận ra là họ không muốn bỏ lỡ khoảng thời gian đặc biệt bên con mình, nhất là khi chúng còn bé”, cô Emily chia sẻ.
Sắp phải xa thành phố an lành với nhiều kỷ niệm gắn bó, cô Emily bày tỏ kỳ vọng mối quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ - Việt Nam tiếp tục mở rộng và trong năm 2020 dự kiến sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, y tế và giáo dục.
Theo Thanh Niên